Ống dẫn tinh nằm ở đâu? Có chức năng gì?

Ống dẫn tinh có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng sinh sản ở nam giới. Việc tìm hiểu về đặc điểm cấu tạo của ống dẫn tinh giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn chức năng của bộ phận này, đồng thời biết được cách phòng ngừa các bệnh lý nam khoa liên quan có ảnh hưởng tới khả năng xuất tinh của nam giới. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

Ống dẫn tinh là gì?

Ống dẫn tinh là một phần của hệ thống cơ quan sinh dục nam giới. Ống dẫn tinh là ống cơ dài, đi từ mào tinh vào khoang chậu, đến ngay sau bàng quang và làm nhiệm vụ vận chuyển tinh trùng trưởng thành đến niệu đạo để chuẩn bị xuất tinh.

Các vấn đề xảy ra ở đường dẫn tinh có tác động trực tiếp đến đường vận chuyển tinh trùng và quá trình xuất tinh ở nam giới. Việc ống dẫn gặp trục trặc không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản.

Ống dẫn tinh là bộ phận quan trọng trong cơ quan sinh dục nam
Ống dẫn tinh là bộ phận quan trọng trong cơ quan sinh dục nam

Vị trí, cấu tạo và chức năng của ống dẫn tinh

1. Vị trí, cấu tạo của ống dẫn tinh

Ống dẫn tinh đi từ đuôi mào tinh là nơi chứa tinh trùng sau khi được tạo ra ở tinh hoàn đến ụ núi. Ống có độ dài khoảng 30cm nếu như được dải hết ra, thẳng ở phía trên và hơi uốn cong khi tới gần tinh hoàn. Đường kính ống khoảng 2-3mm, dày hơn ở phần thành ống, còn lòng ống chỉ khoảng 0,3mm

Xuất phát từ mào tinh, ống dẫn tinh chạy tới vùng ống bẹn, chậu hông và cuối cùng là bàng quang. Tại đây, ống dẫn sẽ được tách ra thành 2 nhánh nhỏ gắn liền với thành bên trái và bên phải của bàng quang. Đoạn cuối ống dẫn tinh giãn rộng hơn phần trên và thắt khúc lại tạo thành bóng tinh – đây cũng là nơi lưu trữ của tinh trùng. Sau cùng, ống dẫn tinh sẽ kết hợp với ống túi tinh ở một góc nhọn và tạo thành ống phóng tinh.

Trong giải phẫu ống này được chia thành 3 lớp. Lớp ngoài cùng có thành dày được tạo thành bởi các mô liên kết. Lớp dưới niêm mạc được bao quanh bởi lớp cơ trơn dọc ngoài và lớp cơ vòng trong. Lớp trong cùng là lớp màng nhầy được lót bởi biểu mô trụ giả tầng với nhung mao bất động.

2. Chức năng của ống dẫn tinh

Chức năng chính là tham gia vào việc vận chuyển tinh trùng trưởng thành và dịch túi tinh tới niệu đạo tuyến tiền liệt. Trong quá trình xuất tinh, hệ thần kinh giao cảm sẽ kích hoạt các lớp cơ của ống dẫn tinh để tạo ra các cơn co thắt nhu động mạnh, hỗ trợ việc đẩy tinh trùng.

Trên thực tế, tinh trùng được tạo ra trong tinh hoàn, sau đó được chuyển đến mào tinh. Khi dương vật cương cứng sẽ thúc đẩy các tế bào tinh trùng di chuyển ra khỏi mào tinh và vào tới ống dẫn tinh. Ống dẫn đẩy tinh trùng về phía trước bằng cách co cơ. Cuối cùng, từ ống tinh, tinh dịch được đẩy qua các ống phóng tinh, qua tuyến tiền liệt, nơi một chất lỏng màu trắng đục được thêm vào hỗn hợp, và cuối cùng qua niệu đạo nơi nó phóng ra khỏi cơ thể.

Ống dẫn tinh (mặt cắt ngang)
Ống dẫn tinh (mặt cắt ngang)

>> Tìm hiểu thêm: Cấu tạo của ống sinh tinh

Một số tình trạng thường gặp liên quan tới ống dẫn tinh

Một số tình trạng y tế thường gặp liên quan tới đường vận chuyển tinh trùng này trong bộ phận sinh dục nam gồm có:

1. Viêm ống dẫn tinh

Viêm ống dẫn tinh là tình trạng viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi bị viêm, nam giới thường có các biểu hiện đi kèm như đau khi xuất tinh, tinh dịch có thể có mùi hôi bất thường, sưng tấy, phù nề, đau ở phần bụng dưới, vùng bẹn,…

Bên cạnh đó, viêm ống tinh là một trong những tác nhân gây cản trở tới quá trình di chuyển của tinh trùng, đặc biệt là viêm nhiễm có thể dẫn đến tình trạng tắc ống dẫn tinh, gây vô sinh cho nam giới. Tình trạng này thường bắt gặp ở nam giới sau khi thực hiện thắt ống dẫn tinh, trong trường hợp này nó có thể không gây ra triệu chứng gì ngoài việc sờ thấy một khối trong ống dẫn tinh, khối này có thể không cần điều trị nhưng có thể cần sinh thiết để xác nhận xem nó lành tính hay không.

Trong một vài trường hợp, nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục cũng có thể tác động đến gây viêm ống dẫn. Những bệnh nhiễm trùng hiếm gặp này thường do cùng một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra và hoàn toàn có thể chẩn đoán và điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Viêm ống dẫn tinh có thể gây sưng tấy, khó chịu cho nam giới
Viêm ống dẫn tinh có thể gây sưng tấy, khó chịu cho nam giới

2. Tắc ống dẫn tinh

Tắc ống dẫn là hiện tượng tinh trùng bị tắc nghẽn lại tại một vị trí nào đó trong ống dẫn tinh khiến cho việc di chuyển và xuất tinh ra bên ngoài không được trôi chảy.

Nam giới bị tắc ống tinh thường có những dấu hiệu nhận biết như sau:

  • Khi sờ nắn mào tinh hoàn hoặc ống dẫn có cảm giác bất thường như căng tức, khó chịu.
  • Nếu tắc ống dẫn tinh trùng trong thời gian dài, tinh hoàn có thể bị thu hẹp và nhỏ hơn so với bình thường.
  • Hai vợ chồng quan hệ tình dục đều đặn và không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào nhưng vẫn không thụ thai.
  • Kết quả kiểm tra tinh dịch đồ cho thấy lượng tinh trùng trong tinh dịch của người chồng khi xuất ra rất ít hoặc gần như không có tinh trùng.

Việc điều trị tắc ống dẫn tinh trùng sẽ căn cứ trên nguyên nhân gây ra bệnh: do bẩm sinh, gặp chấn thương hay do bệnh lý, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Tắc ống dẫn tinh
Tắc ống dẫn tinh ở nam giới cần được phát hiện và điều trị kịp thời nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình mang thai

3. Thắt ống dẫn tinh để kế hoạch hóa

Thắt ống tinh là một thủ thuật phẫu thuật phổ biến, đây là một trong những hình thức tránh thai nam được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Thủ tục này thường được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ tiết niệu hoặc trung tâm, bệnh viện khoa nam học.

Việc thắt ống không ngăn cản tinh hoàn sản xuất tinh trùng mới mà nó ngăn không cho tinh trùng trộn lẫn với tinh dịch và xuất ra ngoài cơ thể. Tinh trùng thay vào đó sẽ được tái hấp thu. Sau khi thắt ống dẫn tinh, nam giới cần phải tiến hành xét nghiệm tinh dịch đồ định kỳ, việc sử dụng máy xét nghiệm tinh dịch đồ tại nhà rất phù hợp để chủ động kiểm tra chắc chắn rằng không có tinh trùng trong tinh dịch sau khi xuất tinh hoặc nếu có tinh trùng thì nó không có khả năng di động.

Tuy nhiên, thủ pháp này cũng tồn tại một số rủi ro bao gồm những phản ứng tiêu cực với thuốc gây mê được sử dụng, chảy máu, nhiễm trùng tại vị trí vết mổ (hoặc vết thủng), tái thông, tụ máu và u hạt tinh trùng. Sau khi thắt ống dẫn tinh, nam giới có thể sẽ bị đau vài ngày sau và nên chườm đá để giảm đau hoặc sưng và cũng nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để giảm thiểu rủi ro gặp bất kỳ biến chứng sau phẫu thuật nào.

Thắt ống dẫn tinh kế hoạch hóa gia đình ở nam giới
Thắt ống dẫn tinh kế hoạch hóa gia đình ở nam giới

Trên đây là những chia sẻ thông tin của Yo Sperm về vị trí, chức năng của ống dẫn tinh và một số vấn đề thường gặp ở ống dẫn tinh của nam giới. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về bộ phận sinh dục và liên quan chặt chẽ tới khả năng sinh sản của nam giới.

guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments