Tuyến yên nằm ở đâu? Những bệnh lý về tuyến yên cần chú ý!

Một trong những bộ phận quan trọng của cơ thể, giữ vai trò chỉ đạo các tuyến nội tiết là tuyến yên. Vậy tuyến yên nằm ở đâu? Những kiến thức cần biết liên quan tuyến yên là gì? Yo Sperm Test sẽ giải thích cụ thể những thắc mắc này cho các bạn trong bài viết dưới đây!

Tuyến yên nằm ở đâu?

Trước tiên, chúng ta cần biết tuyến yên là gì? Tuyến yên là tuyến chính của hệ thống nội tiết. Tuyến yên sử dụng thông tin nhận được từ não để truyền tải thông tin đến các tuyến khác trong cơ thể. Tuyến não thùy là tên gọi khác của tuyến yên, nó có kích thước nhỏ như hạt đậu và nặng tầm 500mg. Vị trí của tuyến yên nằm ở sàn não thất ba, được bao quanh bởi xương bướm và được hoành yên bảo vệ. Tuyến yên chỉ đạo hoạt động của hầu hết các tuyến nội tiết khác nên nó nắm vai trò rất quan trọng đối với cơ thể.

Cấu tạo của tuyến yên

Cấu tạo của tuyến yên gồm ba thùy: thùy trước, thùy giữa và thùy sau.

  • Thùy trước tuyến yên: Thùy trước tuyến yên có 3 phần gồm phần phễu, phần trung gian và phần xa. Bộ phận này có tính chất như một tuyến nội tiết thật sự. Nó gồm hai loại tế bào để tiết ra hormone tăng trưởng của cơ thể và Prolactin cùng sự tăng trưởng và phát triển các tuyến sinh dục, ACTH, TSH, Lipoprotein… Đặc biệt là các hormone thùy trước tuyến yên còn có thể điều hòa đa số các tuyến nội tiết khác. Vì vậy, tuyến yên thường được coi là dẫn đầu ở các tuyến hệ nội tiết.
  • Thuỳ giữa tuyến yên: Bộ phận này ở động vật cấp thấp phát triển khá mạnh, còn đối với con người thì chỉ có trẻ em là phát triển. Thuỳ giữa tuyến yên tiết ra chất có tác dụng khiến sắc tố da được phân bố đều. 
  • Thuỳ sau tuyến yên: Bao gồm các tế bào không có khả năng bài tiết hormone và nó cũng giống như các tế bào mô thần kinh đệm. Các tế bào này còn có chứa các hormon do vùng dưới đồi bài tiết ra. Nếu lượng hormone này bị thiếu hụt thì sẽ gây ra bệnh đái tháo nhạt do nước không thể tái hấp thu ở thận. Ngoài ra, việc tăng co bóp cơ tử cung cũng do loại hormone này tạo ra để khi phụ nữ sinh con có thể đẩy thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn.
Cấu tạo của tuyến yên
Cấu tạo của tuyến yên gồm ba thùy

Chức năng của tuyến yên

Tuyến yên tiết ra những chất nào? Có nhiều loại hormon tuyến yên khác nhau và đảm nhiệm chức năng khác nhau.

Thùy trước tuyến yên tiết ra các loại hormone: 

  • ACTH: Có vai trò kích thích tuyến thượng thận sản xuất chất đóng nhiệm vụ quan trọng trong việc trao đổi chất cũng như kiểm soát lượng đường và điều hòa huyết áp. Ngoài ra chất này còn có yếu tố chống viêm. 
  • GH: Hormone có tác dụng tới nhiều tế bào, giúp tăng chiều cao ở trẻ nhỏ, kiểm soát cơ bắp cũng như lượng mỡ của cơ thể. 
  • Hormone kích thích tuyến vú sản xuất sữa Prolactin. 
  • TSH: Kích thích tuyến giáp sinh ra hormone giúp kiểm soát các chức năng quan trọng như nhịp tim, nhiệt độ và trao đổi chất của cơ thể. 
  • FSH: Kích thích buồng trứng sản sinh nang trứng ở phái nữ và kích thích tinh hoàn sản xuất tinh trùng ở phái nam. 
  • LH: Có tác dụng kích thích rụng trứng và kích thích tinh hoàn sản xuất testosterone.

Thùy sau tuyến yên là nơi tập trung rất nhiều đầu mối thần kinh trải khắp cơ thể. Bộ phận này sản xuất ra hai loại hormone:

  • Oxytocin: Có khả năng kích thích sự co bóp của tử cung lúc phụ nữ sinh con cũng như tiết sữa.
  • Vasopressin (ADH): Hormone tác động đến thận, giúp hấp thụ lại nước. Bệnh đái tháo nhạt là tình trạng cơ thể thiếu hormone ADH. Ngoài ra, ADH là loại hormone có khả năng gây nên tình trạng tăng huyết áp ở nhiều người.
Chức năng của tuyến yên
Tuyến yên có chức năng rất quan trọng đối với cơ thể

Tuyến yên hoạt động như thế nào?

Tuyến yên cùng vùng dưới đồi có mối quan hệ rất mật thiết và thống nhất với nhau để giúp khôi phục lại sự cân bằng cho cơ thể. Nếu môi trường xung quanh thay đổi thì nó cũng có thể giúp cơ thể đáp ứng lại để thích nghi.

Sự giảm hoặc tăng đến một mức nhất định của các hormone khiến các bộ phận trong cơ thể phát tín hiệu cảnh báo tới vùng dưới đồi. Khi đó bộ phận này sẽ liên lạc với tuyến yên và kích thích nó tạo ra hormone phù hợp. Sau đó các hormone này được đi vào theo đường máu, tác động vào những cơ quan như thận, tuyến giáp, cơ quan sinh sản,… và khiến cho các cơ quan này sinh ra các hormone riêng để điều hòa cơ thể, lấy lại sự cân bằng.

Tuyến yên hoạt động như thế nào?
Hormone ở tuyến yên đi tới các cơ quan trong cơ thể

Một số bệnh lý liên quan đến tuyến yên

Những bệnh lý thường gặp ở tuyến yên mà nhiều người cần phải chú ý bao gồm suy tuyến yên, đột quỵ tuyến yên, u tuyến yên và bệnh đái tháo nhạt.

1. Suy tuyến yên

Đây là tình trạng hoạt động của tuyến yên ở người bệnh bị suy giảm dẫn tới việc hormone tuyến yên không được sản xuất đầy đủ, gây ảnh hưởng tới chức năng của các tuyến được tuyến yên chi phối. 

Đây là một bệnh lý khá hiếm gặp. Nguyên nhân có thể là do ở tuyến yên hoặc do các cơ quan lân cận. Thường là do những khối u, do việc phẫu thuật tại tuyến yên, do xạ trị đi qua tuyến yên hoặc do các bệnh lý khác.

Bệnh lý này có thể sẽ phát triển chậm hoặc cũng có thể có các triệu chứng đột ngột do tình trạng xuất huyết vào tuyến yên một cách ồ ạt. Các triệu chứng còn tùy vào việc thiếu hụt hormone mà diễn biến khác nhau. Một số triệu chứng có thể kể đến như đau đầu, bị cứng cổ, rối loạn thị giác,…

2. Đột quỵ tuyến yên

Đây là một bệnh lý hiếm gặp, dễ bỏ sót khi chẩn đoán và việc điều trị khá phức tạp. Triệu chứng cũng như nguyên tắc điều trị bắt buộc phải đan xen giữa nhiều chuyên ngành.

Nguyên nhân gây ra bệnh này là do sự giãn ra bất chợt của nhiều thành phần trong hố yên. Nó có thể là kết quả của xuất huyết hoặc hoại tử trong u nằm cạnh tuyến yên. 

Đột quỵ tuyến yên gây ra tình trạng đau đầu đột ngột, rối loạn thần kinh và nội tiết. Ngoài ra biểu hiện thường thấy là rối loạn thị giác, sa sút tâm thần gây thờ ơ, giảm tri giác hoặc hôn mê. Nếu đột quỵ tuyến yên liên quan tới vùng dưới đồi còn gây tụt huyết áp, rối loạn điều chỉnh thân nhiệt, nhịp tim, kiểu hô hấp và bệnh đái tháo nhạt. Khi có xâm lấn lên vùng trên tuyến yên còn có thể gây ra tràn dịch não.

3. U tuyến yên

Đây là bệnh lý khi tế bào tuyến yên phát triển thành khối u. Khối u này lành tính, phát triển tương đối chậm, nó nằm ở hố yên. U tuyến yên là một trong 4 loại u trong sọ mà người bệnh thường gặp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh u tuyến yên hiện nay chưa được làm rõ. Có một vài trường hợp u tuyến yên có tính di truyền ở gia đình bị bệnh khổng lồ hoặc có nhiều người bị u tuyến yên là trường hợp cảnh báo u tuyến nội tiết nhóm 1.

Triệu chứng của người bệnh bị u tuyến yên ra sao còn phụ thuộc vào loại nội tiết tố khối u tạo ra cũng như kích thước, vị trí, sự phát triển của khối u. Khối u tuyến yên phát triển thường gây ra những dấu hiệu: 

  • Người bệnh bị mất, chậm hoặc kinh nguyệt không đều, bị vô sinh, tiết sữa ở vú khi không mang thai. 
  • Người bệnh có nhiều rối loạn khác như mặt to, trán rộng, môi dày, da thô, bàn chân/ tay và ngón chân/ tay to. 
  • Ngoài ra thì còn triệu chứng tăng cân, rạn da ở bụng và đùi.

4. Đái tháo nhạt

Căn bệnh mãn tính này là một bệnh lý ít gặp, xảy ra do sự suy giảm hormone ADH ở quá trình chuyển hóa nước của cơ thể khiến sự cân bằng nước bị rối loạn. Đây là bệnh lý gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới người bệnh.

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng này: Chấn thương đầu, u trong não hoặc trong tuyến yên do thực hiện phẫu thuật não quanh tuyến yên hay vùng dưới đồi; bị bệnh thiếu oxy não hay thiếu máu não; do các bệnh nhiễm trùng là viêm não và viêm màng não; do gan nhiễm mỡ cấp hoặc có thể là do di truyền.

Các triệu chứng đái tháo nhạt bao gồm: tiểu nhiều, tiểu thường xuyên (ngay cả ban đêm), bị khát dù uống nhiều nước, mất nước, mệt mỏi và giảm tập trung. Nếu trẻ em mắc bệnh này thường quấy khóc, khó dỗ, đi tiểu dầm vào ban đêm, tiểu không tự chủ được vào ban ngày cũng như chậm phát triển, chán ăn, gây ra thiếu cân.

Những bệnh lý liên quan tới tuyến yên
Những bệnh lý liên quan tới tuyến yên có thể mắc phải

Trên đây Yo Sperm Test đã đưa ra lời giải thích cụ thể cho câu hỏi tuyến yên nằm ở đâu, cấu tạo, chức năng và những bệnh lý nguy hiểm về tuyến yên cần chú ý. Nếu các bạn gặp phải những triệu chứng trên thì hãy ghé bệnh viện để thăm khám và điều trị một cách sớm nhất. Hãy thường xuyên theo dõi Yo Sperm Test để cập nhật những kiến thức mới tốt cho sức khỏe nhé!

guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments